Total Pageviews

Wednesday, May 30, 2012

Sợi nylon, sợi polyester và sợi aramid

Ngày nay, bên cạnh các loại sợi có nguồn gốc tự nhiên, các sợi tổng hợp được sử dụng ngày càng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống nói chung và trong ngành cao su nói riêng do độ bền của chúng tốt hơn. Tuy nhiên, chúng cũng có những hạn chế nhất định. Bài viết này sẽ giới thiệu tổng quan các tính chất cơ bản của 3 loại sợi tổng hợp thông dụng là sợi nylon, sợi polyester và sợi aramid.
Đầu tiên là sợi nylon. Có hai loại chính là nylon 6 và nylon 6.6, nhìn chung chúng tương tự nhau. Nylon không bị tác động khi được ngâm trong nước, độ ẩm của nó ở điều kiện bình thường là 4.5%. Nylon có tính kháng nhiệt tốt tới 180oC, cụ thể nylon 6.6 nóng chảy ở 250oC, trong khi nylon 6 nóng chảy ở 225oC. Nylon khó cháy hơn sợi cotton và tơ nhân tạo, khi cháy nó có mùi như cần tây. Nó kháng được các axit sử dụng trong điều kiện thực tế thông thường, tuy nhiên nó bị phân hủy trong các axit đậm đặc như axit axetic 80% ở nhiệt độ sôi và axit formic đậm đặc ở nhiệt độ phòng. Nó cũng có tính kháng kiềm. Các dung môi hữu cơ thông thường không hòa tan nylon, tuy nhiên nó sẽ tan trong phenol, đặc biệt là m-cresol. Nylon không bị tấn công bởi vi sinh vật, nấm mốc và trong suốt dưới ánh sáng cực tím.

Tiếp theo là sợi polyester. Độ ẩm của sợi polyester ở điều kiện thường là 0.5%. Sợi polyester cũng không bị ảnh hưởng nhiều khi ngâm trong nước. Tuy nhiên, nước sôi sẽ làm sợi co rút, gây thủy phân và làm giảm vĩnh viễn độ bền của sợi, hiện tượng này rõ ràng hơn trong môi trường hơi nước và tăng nhanh với sự có mặt của một lượng nhỏ amin, đặc biệt là cyclohexylamin. Trong môi trường hoàn toàn khô, sợi polyester cũng kháng nhiệt khá tốt, lên tới 180oC. Sợi polyester nóng chảy ở 250oC. Nó cũng có tính kháng axit, ngoại trừ các axit vô cơ đặc nóng. Sợi polyester cũng có tính kháng kiềm, tuy nhiên tính kháng amin lại không tốt, sự có mặt của amin trong thành phần của cao su có thể gây phân hủy một phần sợi polyester – liên kết với cao su. Sợi polyester cũng tan trong phenol và các dung môi cyclohexanone, benzyl alcohol, nitrobenzene, dimethyl phthalate và ethylene glycol ở nhiệt độ sôi. Nó không bị tấn công bởi vi sinh vật, khi cháy có khói và có mùi hơi ngọt.

Cuối cùng là sợi aramid. Nó cũng bị tác động không nhiều khi ngâm trong nước, độ ẩm của sợi ở điều kiện thường là 2.0%. Sợi aramid kháng nhiệt rất tốt, lên tới 250oC, nó không cháy nhưng bắt đầu phân hủy khi nhiệt độ đạt khoảng 500oC. Sợi aramid cũng kháng kiềm, axit, ngoại trừ axit sulfuric đặc nóng. Nó tan trong hệ hỗn hợp dung môi amide và kiềm clorua. Ngoài ra, sợi aramid cũng bị ảnh hưởng bởi tia cực tím và giảm độ bền khi tiếp xúc trong một khoảng thời gian dài.

Tóm tắt từ tài liệu The Application of Textiles in Rubber, David B. Wootton, iSmithers Rapra Publishing, 2001, trang 33 – 36

Giới thiệu: Nhóm p - phòng thử nghiệm vLAB 

Nguồn: Sợi nylon, sợi polyester và sợi aramid

(dvm)

Nguồn: www.caosuviet.com

 

Monday, May 28, 2012

Đặc điểm của vật liệu Polyurethane

Polyurethane ở độ cứng cao (thông thường khoảng 90 Shore_A) sẽ có độ dãn dài và độ bền kéo cao, đây cũng chính là đặc tính nổi bật nhất của loại vật liệu này.

Bên cạnh đó vật liệu PU còn cho tính kháng mài mòn, và độ bền kháng xé cao cùng với khả năng chịu được ozone, oxi hóa cao.

Mặc dù với khả năng chịu dung môi béo và nước lạnh rất tốt, nhưng polyurethane sẽ bị phá hủy trong môi trường acid hoặc kiềm. Thang nhiệt độ sử dụng cũng là một trong những hạn chế của nó, không nên sử dụng ở nhiệt độ trên 140 độ F.

Tham khảo: http://www.acmerubber.com/poly.htm



(dvm-vlab-caosuviet)

Nguồn: www.caosuviet.com

Sếp giỏi - quyết đoán chứ không độc đoán

Quyết đoán là một phẩm chất cần có của các nhà quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước áp lực phải hoàn thành các mục tiêu, sếp có thể trở thành một người độc đoán. Khi đó, các nhân viên không thoải mái trong chuyện trò với sếp và sếp sẽ không thu thập được những thông tin quan trọng, những ý tưởng đột phá, thậm chí có nguy cơ mất nhân tài. 

Đọc E-paper

Làm thế nào để biết được sếp là người độc đoán và đâu là liều thuốc chữa trị căn bệnh độc đoán?

Theo các chuyên gia, để biết được mình có phải là một vị sếp độc đoán hay không, các nhà quản trị chỉ cần trả lời mười câu hỏi sau đây:

1. Bạn có khó chịu với những nhân viên có vẻ không cảm nhận được tính khẩn cấp trong công việc như chính mình?

2. Bạn có tự cho mình là một người thích cạnh tranh? Những người khác có nhận thấy bạn là người thích cạnh tranh?

3. Bạn bè hoặc người thân của bạn có bao giờ nói rằng bạn hung hăng, hiếu thắng?

4. Bạn có chủ trương thực hiện nguyên tắc trên dưới rõ ràng trong giao tiếp với nhân viên không? Các nhân viên có cảm thấy thoải mái gửi thư cho bạn để đặt ra câu hỏi hay đưa ra đề xuất hay không?

5. Bạn có nhận thấy các nhân viên thường phục tùng tuyệt đối lệnh của mình?

6. Bạn có thường xuyên rơi vào các cuộc tranh cãi với những người xung quanh?

7. Bạn có thường đưa ra quan điểm của mình không? Quan điểm đó có được người khác quan tâm không?

8. Bạn có thường phát động phong trào để các nhân viên đưa ra các ý kiến hay đề xuất không?

9. Bạn có bao giờ cố tình khiêu khích những nhân viên có cá tính mạnh vì nghĩ rằng sự đối đầu sẽ có tác dụng tốt cho những nhân viên đó?

10. Khi lái xe, bạn có xem một vụ kẹt xe là một trận chiến? Bạn có sẵn sàng lấn tuyến, vượt tắt qua mặt các tài xế khác?

Nếu câu trả lời thường là "Có" thì bạn đã trở nên độc đoán rồi. Độc đoán khác hẳn với quyết đoán. Những vị sếp quyết đoán có nhiều phẩm chất tốt. Họ thường là những người khá bộc trực, thẳng thắn và rất chú trọng đến công việc, sẵn sàng vượt qua mọi thách thức để hoàn thành các mục tiêu, không ngại ngần xử lý các tình huống không chắc chắn. Họ cũng không ngại trách nhiệm và dường như không biết sợ hãi. Các nhà quản trị quyết đoán thường dễ dàng nói ra các mong đợi của mình để nhân viên hiểu được.

Từ quyết đoán đến độc đoán chỉ có khoảng cách nhỏ. Thói độc đoán bộc lộ khi trong quan hệ với nhân viên, sếp thường biểu hiện cách hành xử của kẻ có quyền lực, hống hách và không lắng nghe nhân viên.

Sếp độc đoán còn hay chen ngang vào những công việc mà các nhân viên đang làm dở, khi muốn là lập tức yêu cầu họ phải thay đổi thứ tự ưu tiên trong công việc để làm ngay việc sếp muốn.

Những nhân viên ngại xung đột thường chọn giải pháp im lặng khi làm việc với sếp, nhưng cũng có người nổi nóng và xung đột rất dễ nổ ra. Sếp cãi vã với nhân viên là chuyện không hay, đã vậy nhiều khi sự nóng giận trong tranh cãi còn để lại hậu quả rất nặng nề.

Để tránh rơi vào tình trạng không mong muốn nói trên, các sếp độc đoán nên học hỏi một số cách ứng xử sau đây từ những vị sếp hòa nhã, điềm đạm:

• Cố gắng giữ bình tĩnh trong các tình huống căng thẳng.

• Giữ giọng nói đều đặn, không ngắt lời nhân viên.

• Lắng nghe và nếu cần, xác nhận lại ý kiến của nhân viên trước khi đưa ra quan điểm của mình.

• Khi đặt ra câu hỏi cho nhân viên, hãy để cho họ có đủ thời gian để đưa ra câu trả lời.

• Khi nhân viên đang làm việc, tỏ thái độ tôn trọng bằng cách hỏi người ấy có thể dành ít phút để nói chuyện không. Tránh ra lệnh cho nhân viên phải lên gặp sếp ngay lập tức trong khi họ đang bận rộn với công việc của mình.

Nhân viên sẽ luôn cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi làm việc với một vị sếp tốt bụng và luôn đánh giá cao sự đóng góp của họ cho tổ chức. Ngược lại, họ rất mệt mỏi với những sếp không biết khuyến khích, động viên, mà chỉ hay hăm dọa. Khi dẹp bỏ được những biểu hiện độc đoán, trở nên điềm đạm thì chính nhà quản trị là người tạo ra môi trường giao tiếp cởi mở, giúp cho nhân viên cảm thấy thoải mái trong công việc và sẵn sàng chia sẻ các thông tin quan trọng, những ý tưởng mới mẻ có giá trị cho công ty.


ĐÔNG DƯƠNG (theo Inc)

 

Friday, May 25, 2012

Quá trình ép tiêm cao su

So với quá trình đúc khuôn ép và chạy, đúc khuôn tiêm có mức yêu cầu khắc khe hơn về vật liệu, quy trình và thiết kế. Cao su trong quá trình đúc khuôn tiêm tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài nên đòi hỏi phải có thời gian tự lưu dài hơn. Thép sử dụng cũng phải có chất lượng cao để chịu được nhiệt độ và áp suất cao. Ngoài ra, phải kể đến sự phức tạp trong thiết kế quy trình, khuôn và sự tự động hóa của phương pháp ép tiêm, điều này làm cải thiện cả năng suất và chất lượng sản phẩm, ổn định và đồng đều hơn. Hình dưới đây minh họa một máy ép tiêm trục vít chuyển động qua lại.

Nguyên lý hoạt động chung của máy ép tiêm như sau. Máy sử dụng một trục vít có chức năng cả xoắn và đẩy. Đầu tiên, trúc vít xoay tròn di chuyển từ từ sang trái, làm tăng thể tích khoang tiêm. Tuy di chuyển sang trái nhưng do tác động xoay tròn của trục vít, cao su được kéo từ phễu nhập liệu vào trong ống và chuyển nó tới khoang tiêm. Nhiệt từ quá trình di chuyển cộng với nhiệt được truyền từ lưu chất gia nhiệt làm nhiệt độ cao su tăng cao. Khi lượng cao su trong khoang tiêm đủ để điền đầy lỗ khuôn và cao su có độ nhớt đủ thấp (do nhiệt độ hợp chất cao su tăng lên) để có thể ép vào trong khuôn, trục vít ngừng xoay và di chuyển từ từ sang phải, tác động lực ép lên hợp chất cao su và đẩy nó vào lỗ khuôn. Sau đó, hợp chất cao su kết mạng trong một khoảng thời gian nhất định tùy công thức cụ thể.

Có nhiều hình dạng của mẫu cao su cho vào máy ép tiêm như dạng mảnh, dạng hạt và dạng bột; thường sử dụng nhất là dạng mảnh dài. Đa số các hợp chất cao su ở dạng hạt, bột có khuynh hướng kết tụ, gây khó khăn cho quá trình gia công.

Tóm tắt từ tài liệu Engineered Rubber Products - Introduction to Design, Manufacture and Testing, John G. Sommer, Hanser Publications, 2009, trang 42 - 44

(vtp-vlab-caosuviet)

Tag: khuôn tiêm

Nguồn: www.vlab.com.vn

Wednesday, May 23, 2012

Quá trình trộn than đen với cao su

Quá trình trộn các hóa chất như các chất độn, dầu, chất lưu hóa và chất ổn định vào cao su đạt kết quả tốt khi chúng phân bố đều trong cao su. Thực tế trong quá trình trộn, nhiều loại cao su và nhiều loại hóa chất khác nhau được sử dụng cùng một lúc, quá trình trở nên phức tạp. Để đơn giản, ta xem xét quá trình trộn lẫn một loại cao su và một loại chất độn gia cường, thông dụng nhất là than đen, trong máy trộn kín.

Quá trình trộn lẫn cao su với than đen được thực hiện qua nhiều giai đoạn: nghiền cao su, kết hợp, phân tán và phân bố. Nghiền cao su để nó đạt được trạng thái phù hợp với quá trình trộn lẫn than đen (xem các trạng thái cán cao su tại đây). Kết hợp là quá trình mà than đen nói riêng và các hóa chất nói chung đi vào bên trong cao su. Tiếp theo, quá trình phân tán làm giảm kích thước các hạt, các khối kết tụ than đen thành các hạt rất nhỏ. Cuối cùng là quá trình phân bố các hạt này động đều trong cao su, để đạt được một hệ đồng thể ở cấp độ vĩ mô.

Trong giai đoạn cán nghiền cao su, trạng thái của cao su ở vùng II là phù hợp nhất, dạng rắn, co giãn và có tính đàn hồi cao, mặc dù giai đoạn kết hợp cao su với than đen không tốt bằng khi cao su ở trạng thái của vùng IV, cao su mềm, có tính dẻo cao. Tuy nhiên trong giai đoạn phân tán, trạng thái của cao su ở vùng II có tính đàn hồi cao, giúp truyền ứng suất từ máy trộn tới than đen thông qua môi trường cao su hiệu quả hơn, giúp giảm kích thước và phân tán than đen tốt hơn. Tới giai đoạn này, than đen chỉ mới được chuyển thành các hạt có kích thước rất nhỏ. Việc phân bố đồng đều các hạt này trong cao su đòi hỏi cao su chuyển động xoay tròn không ngừng trong khoang trộn, không có phần ứ đọng lại. Vì thế không bao giờ làm đầy khoang trộn 100%.

Tóm tắt từ tài liệu The Science and Practice of Rubber Mixing, Nobuyuki Nakajima, Smithers Rapra Press, 2000, trang 33 - 34

(vtp-vlab-caosuviet)

Tag: cao su, than đen

 

Nguồn: www.vlab.com.vn

Monday, May 21, 2012

Khuôn chạy

Khuôn chạy (transfer mold) và khuôn ép (compression mold) có một vài đặc điểm tương đồng với nhau. Nhìn chung, khuôn chạy chứa nhiều thành phần (pit-tông, vùng ép chạy và đế khuôn) hơn khuôn ép nên sự thẳng hàng giữa các bộ phận là quan trọng. Vì vậy, các chốt định vị phải phải được sử dụng, trong khi điều này là không bắt buộc đối với những khuôn ép đơn giản. Hình sau đây sẽ minh họa một khuôn chạy tiêu biểu.

Quá trình đúc khuôn chạy có thể được hình dung như sau. Đầu tiên, mẫu cao su được cho vào vùng ép chạy; sau đó, pit-tông ép cao su làm đầy vùng ép chạy, cao su chảy qua đường chạy để điền đầy các lỗ khuôn. Sau khi kết mạng xong, chi tiết đúc khuôn được lấy ra khỏi khuôn và tấm cao su còn sót lại ở vùng ép chạy được loại bỏ dễ dàng vì phần nối của nó với chi tiết rất dễ xé. So với khuôn ép, khuôn chạy có một số ưu điểm nhất định.

Đầu tiên là những ưu điểm. Khuôn chạy phù hợp với các chi tiết cao su phức tạp, gồm nhiều thành phần cấu thành, đặc biệt trong trường hợp kết dính cao su với các chi tiết khác. Trong khuôn chạy, các chi tiết kết dính thêm vào duy trì ở một vị trí dự định trước trong lỗ khuôn kín tốt hơn so với khuôn ép. Quá trình ép, làm chảy cao su trong khuôn ép có thể làm thay đổi vị trí chi tiết kết dính, gây hư hỏng sản phẩm hoặc thâm chí gây hư hỏng khuôn. Hơn nữa, cao su sau khi qua đường chạy vào lỗ khuôn có bề mặt ngoài hoàn toàn mới, không bám dính bụi bẩn, dầu mỡ trong quá trình thao tác, nên tạo sự kết dính tốt hơn. Các ưu điểm khác như: một mẫu cao su trong vùng ép chạy có thể chảy vào nhiều lỗ khuôn cùng một lúc, rút ngắn thời gian thực hiện sản phẩm; hình dạng và thể tích mẫu cao su ban đầu không làm thay đổi nhiều đến chi tiết đúc khuôn chạy; bề dày phần cao su dư giảm xuống.

Tuy nhiên, khuôn chạy cũng có một số hạn chế. Hạn chế rõ nhất là sự phức tạp và chi phí gia công khuôn chạy cao hơn khuôn ép. Khuôn chạy bị giới hạn và không phù hợp cho các hợp chất cao su có độ nhớt quá cao, chúng không thể chảy qua đường chạy. Cuối cùng, quá trình truyền nhiệt từ đế trên của máy ép không hiệu quả do nhiệt phải truyền qua phần cao su còn sót lại trong vùng ép chạy và phần cao su này cũng phải loại bỏ khi lấy sản phẩm khỏi khuôn.

Tóm tắt từ tài liệu Engineered Rubber Products - Introduction to Design, Manufacture and Testing, John G. Sommer, Hanser Publications, 2009, trang 39 - 40

(vtp-vlab-caosuviet)

Tag: khuôn chạy

Nguồn: http://vlab.com.vn